Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền độc lập... được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý”.

Quyền tư pháp là một trong ba nhánh quyền lực. Xét xử trở thành một chức năng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, một hoạt động quyền lực nhà nước đặc thù. Hoạt động xét xử của Tòa án được tiến hành bằng thủ tục công khai, minh bạch, thuận tiện và dân chủ. Bản thân thủ tục tư pháp là một thủ tục dân chủ để mọi người dân có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các bên đều có thể biết về các thủ tục đó.

Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước - là nơi biểu hiện tập trung của quyền tư pháp, nơi mà các kết quả hoạt động điều tra, truy tố, bào chữa, giám định - được xét và xử một cách công khai dựa trên pháp luật và theo những thủ tục tố tụng chặt chẽ, nhằm đưa ra phán quyết mang tính quyền lực nhà nước. Thông qua hoạt động xét xử, bằng các quyết định, bản án nghiêm minh, công bằng, Tòa án tác động đến việc xác lập các chuẩn mực mới trong quan hệ xã hội, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong hoạt động tư pháp, tạo dựng niềm tin vào nền công lý, vào bộ máy nhà nước.

Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra các phán quyết về một vụ án hình sự cụ thể. Hoạt động xét xử hình sự là thực hiện chức năng kiểm tra công khai các hành vi pháp lý của các cơ quan điều tra, truy tố để bảo đảm cho bản án và quyết định chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thông qua xét xử công khai của Tòa án, công chúng có thể nhận thấy rất rõ mức độ bảo vệ quyền con người, quyền công dần. Hoạt động xét xử cũng tác động trực tiếp lên ý thức và hành vi của những người tham dự phiên tòa và những người biết về vụ án thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về công lý, sự công bằng trong phán quyết của Tòa án.

Việc Tòa án phải xét xử kịp thời là bảo đảm yêu cầu bị cáo được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô căn cứ. Xét xử kịp thời không chỉ là đòi hỏi từ khi bị cáo bị truy tố đến khi mở phiên tòa, mà cả thời gian xét xử tại Tòa án, thời gian giữa hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Xét xử kịp thời nhằm đảm bảo quyên con người của người bị buộc tội. Vì trong quá trinh tố tụng, họ có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, cấm đi khởi nơi cư trú và bị hạn chế một số quyền trong khi họ chưa bị coi là có tội. Nếu xét xử kịp thời, Tòa án sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết đối với bị cáo. Thực tế cho thấy không ít trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do và khôi phục quyền lợi cho người bị oan.

Một phiên tòa công bằng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm các quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm... Người bị buộc tội phải được xét xử bởi một phiên tòa mà ở đó họ được thực hiện các quyền của mình mà Hiến pháp và pháp luật quy định như được thông báo về phiên tòa, được biết mình bị xét xử về tội gì, được bào chữa hay nhờ người bào chữa, được tranh luận tại phiên tòa, đưa ra các chứng cứ và yêu cầu...

Các giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm đều mang tính công khai (trừ trường hợp pháp luật quy định xét xử kín). Mặc dù phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thì mức độ công khai có hạn chế hơn do số chủ thể tham gia phiên tòa có giới hạn so với xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Không những thế, các quyết định giám đốc thẩm đều được công bố công khai dưới nhiều hình thức theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nên có ý kiến cho rằng việc xét xử công khai chỉ có ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là không hợp lý.

Có thể thấy xét xử công khai nhằm đảm bảo cơ chế kiểm tra và giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử. Sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Nhà nước nói chung và hoạt động xét xử nói riêng, là đòi hỏi cấp bách của một xã hội dân chủ. Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi công dân từ đủ 16 tuổi trở lên đều có thể tham dự và Tòa án phải công bố tất cả các quyết định được thông qua trong quá trình xét xử của vụ án. Tòa án xét xử công khai ở trụ sở Tòa án nhưng ưong một số trường hợp cần phát huy mạnh mẽ tác dụng giáo dục và phòng ngừa của công tác xét xử, thi Tòa án có thể tiến hành các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm. Sau khi xét xử Cần phải tuyên án công khai và bản án đó Tòa án có thể công bố trên báo chí, đài phát thanh hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác để mọi người được biết.

Như vậy, xét xử công khai không những là biện pháp để cho người dân, các tổ chức, đoàn thể xã hội, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát tính đúng đắn của hoạt động tố tụng mà còn góp phần để giáo dục, phòng ngừa tội phạm; bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. Hình thức xét xử công khai hay xét xử kín do Hội đồng xét xử quyết định. Nguyên tắc công khai thể hiện bằng việc Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tinh tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Các quy định về công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố; nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc trình bày, công bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

TS. Phạm Quốc Sử