* Về vị trí và chức năng

- Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; thanh niên; thi đua, khen thưởng.

- Sở Nội vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nội vụ.

* Về nhiệm vụ và quyền hạn: Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Nội vụ thực hiện theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 05/2021/TT-BNV ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

* Cơ cấu tổ chức: Sở Nội vụ có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc Sở. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Nội vụ, gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức - Cán bộ; Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên. Các đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ, gồm: Ban Thi đua - Khen thưởng; Ban Tôn giáo; Trung tâm Lưu trữ lịch sử (đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng).

* Nguyên tắc hoạt động

- Giám đốc Sở Nội vụ là người đứng đầu Sở Nội vụ, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ.

- Phó Giám đốc Sở Nội vụ là người giúp Giám đốc Sở Nội vụ phụ trách, chỉ đạo một số mặt công tác của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc Sở ủy quyền điều hành các hoạt động của Sở Nội vụ.

- Người đứng đầu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ (gọi chung là người đứng đầu) chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ, trước pháp luật về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.

- Cấp phó của người đứng đầu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ (gọi chung là cấp phó của người đứng đầu) là người giúp việc cho người đứng đầu; chịu trách nhiệm trước người đứng đầu và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công phụ trách. Khi người đứng đầu vắng mặt, người đứng đầu ủy quyền cho một cấp phó điều hành các hoạt động của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ.

- Công chức, viên chức, người lao động trong các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nội vụ, trước thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tổng hợp, thống kê, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đối với ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thực hiện việc thông tin, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2022 và thay thế Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau./.

Trọng Kiện