1. Đối với Công tác PBGDPL:

- Thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL: Thông tin, phổ biến đầy đủ, toàn diện các văn bản, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Tập trung phổ biến các Luật, Pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2023, 2024, những nội dung thiết thực với người dân, doanh nghiệp, các vấn đề xã hội quan tâm, cần định hướng dư luận xã hội; pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, trái phiếu doanh nghiệp, lao động, bảo vệ trẻ em; thực hiện dân chủ ở cơ sở và cấp Phiếu lý lịch tư pháp... Đổi mới giải pháp, nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL, vận hành có hiệu quả Trang thông tin PBGDPL tỉnh; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác, mạng xã hội (Zalo, Facebook, ...); chủ động xây dựng tài liệu PBGDPL, tờ rơi, tờ gấp điện tử, infogaphic để phục vụ trong công tác PBGDPL.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL (Hội đồng) tỉnh và Hội đồng các huyện, thành phố Cà Mau. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án PBGDPL và hoạt động của Hội đồng theo Kế hoạch số 05/KH-HĐPH ngày 22/01/2024 của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của từng Thành viên Hội đồng trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác PBGDPL cho Nhân dân bằng các hình thức, nội dung phù hợp, đạt hiệu quả cao.

- Về nội dung các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11 gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với PBGDPL, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật được nêu trên; về hình thức: Lựa chọn hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại cơ sở bằng những hình thức phù hợp, cụ thể; đẩy mạnh thông tin pháp luật, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội (Zalo, Facebook, ...); thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động thanh niên tình nguyện, giáo dục pháp luật ngoại khóa; lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, ...

- Biên soạn, đăng tải đầy đủ, kịp thời tài liệu PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên Trang thông tin PBGDPL tỉnh bằng các hình thức như: văn bản, file âm thanh, hình ảnh, video, tờ rơi, tờ gấp đồ họa, ....

2. Về Công tác hòa giải ở cơ sởTăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, tiếp tục chỉ đạo, định hướng tăng cường hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị, địa phương; rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; chú trọng thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, bộ đội biên phòng, công an xã, thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia hỗ trợ, nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Nghiên cứu giải pháp huy động tuyên truyền viên tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; phối hợp với cơ quan Dân vận các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. 

3. Công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Tăng cường công tác truyền thông, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện bằng hình thức phù hợp; có kế hoạch triển khai các giải pháp duy trì kết quả đạt chuẩn, đồng thời hỗ trợ cấp xã khắc phục các tiêu chí còn hạn chế hoặc chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

Hứa Nguyên