(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Việc giám định không chỉ nhằm xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội, khung hình phạt được áp dụng mà còn liên quan đến nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cụ thể.

Thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau có sự chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả quan trọng; đội ngũ giám định viên tư pháp được các cơ quan, đơn vị quan tâm củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 76 giám định viên (Không có người giám định viên theo vụ việc), với 02 tổ chức giám định công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y - Sở Y tế (Không có tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập) và 19 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Về đội ngũ giám định viên tư pháp và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không chỉ tăng về số lượng mà tăng cả về chất lượng, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định Luật Giám đinh tư pháp. 

Theo số liệu thống kê (từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023), các tổ chức giám định đã thực hiện 5.428 vụ việc theo yêu cần của các cơ quan tố tụng, trong đó lĩnh vực: pháp y là 2.806 vụ việc; kỹ thuật hình sự 2.578 vụ việc; tài chính 27 vụ; tài nguyên và môi trường 07 vụ; kế hoạch và đầu tư 02 vụ; xây dựng 01 vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn 02 vụ; thông tin và truyền thông 03 vụ; công thương 02 vụ.

Qua kết quả nêu trên cho thấy: Nội dung trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo sự phù hợp, sát với tính chất của các vụ việc, lĩnh vực giám định của các giám định viên và tổ chức giám định tư pháp; về đội ngũ giám định tư pháp hầu hết đều nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, không để xảy ra tình trạng sai sót trong công tác giám định. Hoạt động giám định tư pháp trong năm qua cơ bản được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy trình trong tất cả các khâu từ tiếp nhận đến giám định và kết luận, đảm bảo tính chính xác, khách quan, khoa học, đáp ứng tốt các yêu cầu của cơ quan trưng cầu, là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để làm rõ tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, tránh oan sai, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành kèm theo Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 06/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, nổi bật là công tác tuyên truyền, lựa chọn người để bổ nhiệm giám định viên tư pháp, thực hiện chức năng giám định tư pháp khi có yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời, phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan đến hoạt động giám định tư pháp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp trên đị bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định tư pháp tuy đã được trang bị nhưng do ngân sách của địa phương còn khó khăn nên một số máy móc, trang thiết bị chưa được trang cấp đầy đủ theo nhu cầu của các tổ chức giám định công lập, nhất là đối với thiết bị phục vụ giám định ma túy, độc chất, kỹ thuật số điện tử, âm thanh, cháy, nổ. Về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn (trừ lĩnh vực giám định pháp y, giám định kỹ thuật hình sự) chưa được Bộ, ngành thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực chuyên ngành, nên quá trình thực hiện có hạn chế, khó khăn nhất định. Chế độ bồi dưỡng cho người thực hiện giám định tư pháp theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ còn thấp.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là: Số lượng giám định viên tư pháp tăng nhưng chất lượng từng lúc chưa đáp ứng được yêu cầu giám định, các giám định viên đa số hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Một số vụ việc thực hiện giám định còn chậm do thiếu trang thiết bị và khả năng của giám định viên đôi lúc còn hạn chê. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám đinh tư pháp trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác giám định tư pháp. Tăng cường công tác phổ biến, quán triệt quy định về giám định tư pháp; nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân có liên quan về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp gắn với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên kiểm tra đối với công tác giám định tư pháp; qua đó, kịp thời phát hiện, giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác này. Có kế hoạch rà soát, tạo nguồn phát triển giám định viên tư pháp để kịp thời bố sung nhân lực cho tổ chức giám định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giám định viên tư pháp tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Giám định tư pháp thì Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập chỉ được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cô vật, di vật, bản quyền tác giả. Để thực hiện có hiệu quả việc khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động giám định, kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các lĩnh vực giám định có phát sinh nhiều vụ việc để làm cơ sở thành lập Văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Đồng thời, tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay./.

 

Hoàng Lộc