(Tiếp cận pháp luật – Tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới)

Xác định được vị trí, vai trò của công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, có tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở. Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai công tác này, trực tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng, đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến nay, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau đã ban hành Quyết định công nhận 97/101 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tăng 02 xã so với năm 2020, đạt tỷ lệ trên 96%, còn 04 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021, gồm: xã Hiệp Tùng -  huyện  Năm Căn, xã Việt Thắng - huyện Phú Tân, xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây Bắc - huyện Trần Văn Thời, chiếm tỷ lệ gần 4%.

Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã. Không những thế, kết quả xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ là căn cứ để cơ quan nhà nước cấp trên xét, xác nhận đạt tiêu chí 18.5 trong bộ tiêu chí nông thôn mới để tiếp tục xét, công nhận và duy trì, giữ vững tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tiễn và đối chiếu lại quá trình triển khai các quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về vấn đề thể chế lẫn tổ chức thi hành như: các tiêu chí, chỉ tiêu không còn phù hợp, từng lúc, từng nơi thực hiện chưa đầy đủ…Chính vì thế, ngày 22/7/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

Việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, tiếp tục xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Chú trọng, nâng cao chất lượng công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nội dung rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn hiện nay. Quy định về đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động của chính quyền cấp xã; là chuẩn mực dùng để đo lượng tính phù hợp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của nhà nước đối với xã hội. Đồng thời, đây là đòn bẩy phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Từ đó, xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa “thượng tôn pháp luật” trong xã hội, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở./.

Phú Toàn