Việc quy định thu gom, tái chế và sử dụng chất thải sinh hoạt đã được quy định tại Điều 75 Luật bảo vệ môi trường. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

 Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao như sau: 

(Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị phạt tiền đến 1 triệu đồng - ảnh nguồn từ Baochinhphu.vn)

- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;

- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thì khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Việc thực hiện không đúng quy định về phân loại rác thải sịnh hoạt sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022): Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”. Như vậy, nếu hộ gia đình, cá nhân không thực hiện đúng quy định về phân loại chất thải sinh hoạt thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, hiện tại đa số hộ gia đình, cá nhân tại các cùng nông thôn, nhất là miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc xả thải chất thải sinh hoạt còn tùy tiện, chưa có ý thức thu gom, phân loại chất thải theo quy định. Mặc khác, họ khó có thể tiếp cận với quy định của pháp luật nói chung và lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng thì việc triển khai xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định là khó khả thi.

Mặc khác, theo quy định tại  Khoản 2, Điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Vì vậy, đề có cơ sở khuyến khích người dân thực hiện quy định về phân loại rác thải thì UBND cấp tỉnh cần ban hành quy định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức thiết thực, cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người dân, nhất là đối tượng tuyên truyền là người dân nông thôn. Sau một thời gian tuyên truyền nhắc nhở mới tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của hộ gia đình, cá nhân./.

Thanh Long