Chương trình xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên nhu cầu của xã hội, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu, định hướng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Xây dựng nguồn nhân lực hướng tới sự phát triển toàn diện về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, sức khỏe; xây dựng nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống, ý thức lao động, có khả năng thích ứng, hòa nhập trong mọi môi trường sống và làm việc.

Xây dựng và phát triển nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của toàn xã hội; huy động mọi nguồn lực của xã hội để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Mục tiêu cụ thể:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trở lên vào năm 2025, 70% năm 2030; trong đó, có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27% trở lên.

- Có từ 15 bác sĩ, dược sĩ đại học/vạn dân; duy trì 100% trạm y tế có từ 01 đến 02 bác sĩ làm việc thường xuyên.

- 100% giáo viên mầm non và các cấp học phổ thông đạt chuẩn quy định. 100% giảng viên các trường cao đẳng đạt trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, 100% giảng viên được quy hoạch hiệu trưởng có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 50% trình độ tiến sĩ.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn theo vị trí việc làm.

- 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định.

- 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện ban thường vụ cấp huyện và tương đương; đảng đoàn, ban cán sự đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

- Cán bộ, công chức cấp xã: 90% trở lên có trình độ đại học, 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 80% trở lên được bồi dưỡng nghiệp vụ và sử dụng thành thạo tin học văn phòng; đối với các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải có trình độ đại học.

Tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực. Quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nhân lực; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đối với người dân, chú trọng đối tượng là học sinh, sinh viên; khẳng định đào tạo, bồi dưỡng để có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động là cơ hội để có việc làm, nâng cao thu nhập. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao ý thức tự học, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong làm việc, lao động, sản xuất. Có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng; nhất là, cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn.

Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý; nhất là, ở các trường dạy nghề, cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập trong tỉnh. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng chất lượng giáo dục, phát huy năng lực người học gắn với thực hành; giáo dục đạo đức, nhân cách, lý tưởng và truyền thống cách mạng đáp ứng yêu cầu, phát huy các giá trị chuẩn mực con người và thích ứng với xu thế hội nhập và cuộc cách mạng 4.0. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, bậc học; phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính...

Tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục phổ thông, sắp xếp lại các trường chuyên nghiệp tinh gọn, hiệu quả; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng hiện đại, chú trọng thời gian thực hành, tiếp cận thực tế; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, chú trọng giáo dục nhân cách, thể lực, tư duy sáng tạo cho người học; kết hợp giữa các môi trường giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập (nhất là bậc mầm non, tiểu học), xây dựng hệ thống trường chất lượng cao ở các cấp học; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp trong nghiên cứu, tiếp cận các giải pháp, khoa học công nghệ gắn liền với quy trình sản xuất; sử dụng nguồn lực sau đào tạo. Tăng cường hợp tác, liên kết giữa địa phương với các trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo có năng lực, uy tín trong và ngoài nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo các chương trình, đề án mà tỉnh có thế mạnh.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế, đẩy lùi các bệnh lây nhiễm; nâng cao năng lực dự báo, phát hiện và phòng, chống dịch bệnh; xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, mô hình đội y tế lưu động; phấn đấu giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 10%; tuổi thọ bình quân 75 tuổi, số năm sống khỏe tối thiểu 68 năm. Xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của dân tộc; tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, triển vọng, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi để đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Có cơ chế thu hút, trọng dụng hoặc hợp tác, đặt hàng đội ngũ chuyên gia tư vấn thường xuyên hoặc từng vấn đề, lĩnh vực cho tỉnh như: Nông nghiệp công nghệ cao; kinh tế số, xã hội số và chính quyền số...

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu về chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng theo lĩnh vực, ngành nghề mà người lao động đang hoạt động; nhất là, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tư duy, đổi mới sáng tạo. Đào tạo nghề từ ngân sách nhà nước phải xác định rõ địa chỉ, nghề nghiệp cần đào tạo và xác định nhóm ngành đào tạo tỉnh có thế mạnh, gắn chặt đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. Chủ động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Triển khai thực hiện chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội ngũ quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật, kỹ năng quản trị, quy trình xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các văn bản không còn phù hợp; bố trí nguồn lực tài chính ưu tiên đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực để xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài; tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật cao để hình thành, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề; nâng cao năng lực cạnh tranh trong giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở đào tạo đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, giáo viên để cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo. Có chính sách huy động nguồn đóng góp từ doanh nghiệp cho đào tạo nghề, bao gồm chính sách khuyến khích thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành có chất lượng nang cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

                                                                                       Thanh Tòng