Phương án bồi thường khi thu hồi đất được lập khi nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013 thì trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi.

Thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường

Theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013, việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau: “Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày”. Thẩm quyền được quy định tại Điều 66 bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nội dung quy định trong phương án bồi thường

Theo Điều 17 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 06/2020/NĐ-CP) quy định Bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khung chính sách) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và phải bảo đảm kinh phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: (1) Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi; (2) Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất; (3) Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi; dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, vị trí; (4) Phương án bố trí tái định cư (dự kiến số hộ tái định cư, địa điểm, hình thức tái định cư); (5) Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nguồn vốn để thực hiện; (6) Dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (7) Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng.

Đây là những nội dung mang tính pháp lý phải thể hiện toàn diện trên cho toàn bộ dự án và chi tiết đến từng địa phương (nếu có). Nếu thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì trong các nội dung quy định tại Khoản này phải bao gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó.

Quyền tiếp cận thông tin đối với phương án bồi thường được quy định thế nào ?

Vấn đề này được quy định trong 02 văn bản luật gồm: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Đất đai 2013.

Theo Luật Tiếp cận thông tin

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì thông tin  về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cần phải được công khai rộng rãi. “ Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”.

Quy định về công khai thông tin về phương án bồi thường cho thấy, yêu cầu phải công khai thông tin liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tính chất tiên quyết để thực hiện quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực này.

Theo quy định của Luật Đất đai

Theo quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật Đất đai 2013  phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được phổ biến và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Bên cạnh đó theo Điều 199 của Luật này, Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai và việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc một trong các nội dung giám sát được quy định cụ thể tại điểm c khoản 3 của Điều luật này.

Người bị thu hồi đất có được tiếp cận phương án bồi thường không?

Theo quy định trên về công khai thông tin của Luật Tiếp cận thông tin, quy định về trách nhiệm công khai phổ biến và niêm yết phương án bồi thường tại nơi có đất bị thu hồi có thể thấy rằng quy định của pháp luật Việt Nam có trao cho người bị thu hồi đất có quyền tiếp cận thông tin về phương án bồi thường cho người bị thu hồi đất. Như vậy, Người bị thu hồi đất có quyền tiếp cận thông tin về phương án bồi thường.

TS. Phạm Quốc Sử (Tham vấn phổ biến pháp luật)