Quang cảnh hội nghị tập huấn

Gần 100 đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn là cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh và các Nhà tạm giữ thuộc Công an các huyện, thành phố Cà Mau; viên chức, người lao động đang làm việc tại các đơn vị: Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần, Cơ sở Cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên giới thiệu những nội dung về Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Giải pháp phòng, chống tra tấn; Quyền và nghĩa vụ của người bị tra tấn; Chế tài của pháp luật Việt Nam đối với người có hành vi tra tấn.

(Báo cáo viên triển khai nội dung "Chế tài của pháp luật Việt Nam đối với người có hành vi tra tấn")

Thông qua tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các nội dung cơ bản của Công ước và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, góp phần thực hiện đúng các quy định, hướng tới mục tiêu: Bảo vệ quyền con người, ngăn ngừa hành vi tra tấn,... đồng thời để chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Công ước chống tra tấn đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc. Việc ký kết, phê chuẩn Công ước có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta cũng như thể hiện sự quyết tâm duy trì nền tảng đạo đức, pháp lý và văn hóa quyền con người đang được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013; cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả trong đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam../.

Phú Toàn