1.  Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2024.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành: 

a) Sự cần thiết ban hành: Cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng cũng thuộc sự quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp; viên chức là đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ (theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam); là đối tượng thuộc quyền của Ủy ban nhân tỉnh cho phép, quyết định cử đi công tác nước ngoài (theo quy định tại Khoản 11, Điều 11 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam); đồng thời, viên chức được bố trí theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập có gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là người có trình độ (tiến sĩ, thạc sĩ…), năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; làm việc tại các vị trí việc làm có chứa bí mật nhà nước nên cần được quy định cụ thể trong công tác quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh do đó trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại khoản 2, Điều 50 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 20/2024/QĐ-UBND ngày 12/7/2024 ban hành quy chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau là cần thiết.

b) Mục đích: Nhằm quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức xâm phạm an ninh quốc gia; đảm bảo việc xuất cảnh, nhập cảnh đúng quy định của pháp luật và có tính tổ chức, kỷ luật, an toàn, tiết kiệm; nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ công chức, viên chức khi xuất cảnh, nhập cảnh.

4. Nội dung chủ yếu: Quy định nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục giải quyết xuất nhập cảnh cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau; quy định quản lý và sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

a) Về đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người làm việc tại các Hội có tính chất đặc thù được giao biên chế thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau (Sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức); Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

b) Về nguyên tắc quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh

- Quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

- Bảo đảm sự quản lý tập trung của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp đồng bộ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức.

- Việc cử cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh công tác nước ngoài phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Đảm bảo phù hợp với chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt, đúng đối tượng, đúng mục đích, có đối tác làm việc cụ thể.

- Hoạt động, quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình xuất cảnh ra nước ngoài khi trở về nước phải có báo cáo cụ thể về thời gian, địa điểm, việc tiếp xúc quan hệ, làm việc với cá nhân, tổ chức trong thời gian ở nước ngoài; kịp thời phát hiện, xử lý những hoạt động không đúng mục đích hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại, pháp luật Việt Nam.

c) Những trường hợp chưa được giải quyết xuất cảnh

- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì chưa được giải quyết xuất cảnh.

- Chưa có Quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc cử cán bộ, công chức, viên chức ra nước ngoài. 

d) Những hành vi bị xem xét, xử lý trách nhiệm

- Tự ý xuất cảnh, tự ý tham gia các hoạt động ngoài chương trình được phê duyệt, tự ý ở lại nước ngoài quá thời hạn khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Có phát ngôn, đoạn viết, bài viết, hình ảnh hoặc có các hành động dưới bất kỳ hình thức nào trái với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến; gây ảnh hưởng xấu (không tốt) đến uy tín quốc gia, dân tộc.

- Báo cáo không đúng mục đích xuất cảnh; xuất cảnh đến quốc gia, vùng lãnh thổ chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Sử dụng ngân sách Nhà nước, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để xuất cảnh vì việc riêng; khi chưa được cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Làm lộ, lọt tài liệu mật, bí mật Nhà nước trong thời gian ở nước ngoài; mang theo tài liệu, bí mật Nhà nước ra nước ngoài khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

- Mang theo vũ khí, thiết bị kỹ thuật, phương tiện nghiệp vụ, tài sản được cơ quan giao quản lý ra nước ngoài không phục vụ mục đích công vụ hoặc khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

- Thực hiện những hành vi xuất cảnh, nhập cảnh khác bị pháp luật nghiêm cấm.

e) Thẩm quyền cho phép, quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh công tác

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép, quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý xuất cảnh công tác. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu. Việc ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài thực hiện theo đúng quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 04/2020/TT-BNG ngày 25/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp, gia hạn, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị phía nước ngoài cấp thị thực.

g) Thẩm quyền cho phép cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý xuất cảnh có thời hạn để giải quyết việc riêng. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc trong việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài giải quyết việc riêng; việc ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên khi xuất nhập cảnh thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của cấp ủy có thẩm quyền.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Cà Mau ban hành, Sở Tư pháp xin thông báo./.