Kế hoạch nêu: Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong toàn xã hội, khắc phục khó khăn để thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 theo hướng chủ động, sáng tạo, thích ứng an toàn và linh hoạt với phòng chống dịch COVID-19, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân, tận dụng tối đa các cơ hội để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đúng tiến độ và hiệu quả.

(Phấn đấu đến cuối năm 2022:  Có từ 53/82 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ có 64,6% - ảnh minh họa)

Các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh bám sát chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đã được ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh giao, chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết, cụ thể, chịu trách nhiệm kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, địa bàn, tiêu chí nông thôn mới do cá nhân, địa phương, đơn vị, sở, ngành phụ trách. Quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành và các địa phương không chủ quan, nóng vội; không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân... nhưng phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới trong từng thời điểm để đảm bảo đạt các mục tiêu Chương trình năm 2022.

Phấn đấu đến cuối năm 2022:  Có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hoặc có từ 53/82 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ có 64,6%). Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoặc có từ 05/53 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm tỷ lệ có 9,4%); đồng thời, giữ vững, củng cố các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chuẩn mới.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được giao và đề ra gắn với nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của từng ngành, từng cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới ở từng thời điểm; đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục xác định công tác tuyên truyền, vận động là việc làm thiết thực, thường xuyên, liên tục. Thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm đế tuyên truyền, vận động và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới từ nhà ra ngõ, từ ấp lên xã, lên huyện; quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ nội dung trong xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những nhân tố mới, điến hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Phong trào “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo cấp huyện tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình “Moi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhất là các họp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.

Các sở, ngành tỉnh chủ động triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo lĩnh vực được phân công; ưu tiên bố trí nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án đang quản lý để hỗ trợ, đầu tư xây dựng ở các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn trong năm. Tăng cường công tác phối họp, hỗ trợ huyện Thới Bình để sớm công nhận 02 xã còn lại chưa đạt chuẩn và hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trong năm 2022. Hướng dẫn, hỗ trợ ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển xây dựng Đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khuyến khích, thường xuyên tố chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội; chú trọng phát triển các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở xóm, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp ở nông thôn.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; vận động, hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp tăng thêm giá trị kinh tế; nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở một số khu dân cư thuận lợi về giao thông; thu gom vỏ chai, bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vào nơi qui định; thí điểm mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, cải tạo cảnh quan ở nông thôn; quản lý chặt chẽ công tác thu gom và xử lý chất thải đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản.

Nâng cao chất lượng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội và năng lực cán bộ, công chức xã để đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm phục vụ tốt hơn, đảm bảo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ vững sự bình yên, hạnh phúc trong từng gia đình và cộng đồng dân cư.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, các tổ chức đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo tự quản của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tố chức chính trị - xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống cư dân nông thôn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Đồng thời, tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở.

                                                                                       Bài: Thanh Tòng

Ảnh nguồn từ: www.camau.gov.vn