Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng lên. Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện theo hướng tiến bộ và công bằng. Chính sách người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, ưu đãi xã hội, các dịch vụ xã hội khác được triển khai đồng bộ và mang lại kết quả thiết thực. 

(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều thách thức, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, việc thực hiện chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp còn nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sông nhân dân , ngày 20/03/2024 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. 

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân của tỉnh trong quá trình phát triển.

Chú trọng huy động mọi nguồn lực, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phù hợp với khả năng của từng địa phương; trong đó, nguồn lực của nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng và nhân dân trong quản lý phát triển xã hội bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện chính sách xã hội; phát huy truyền thống tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mục tiêu đến năm 2030: Tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội. Triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin và truyền thông cho người dân; tăng cường hỗ trợ người yếu thế có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu; tạo nhiều cơ hội cho người lao động, nhất là người lao động nghèo, lao động mất việc làm và thất nghiệp có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường lao động. 

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trở lên, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 30% trở lên. Giải quyết việc làm bình quân khoảng 40.000 người/năm. Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

55% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 41% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 30% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Phấn đấu 100% đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là hộ gia đình chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định; nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 80% trở lên. Phấn đấu đạt 35 giường bệnh trở lên/vạn dân. 18 bác sĩ, dược sĩ đại học/vạn dân.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%. Xây dựng, cải thiện nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xoá tình trạng nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 70%, tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Tổ chức triển khai, thực hiện toàn diện, hiệu quả chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xây dựng và phát triển con người Cà Mau đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Tỉnh uỷ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách xã hội

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cụ thể hoá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận chính sách xã hội.

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chính sách xã hội trên địa bàn; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến thực hiện chính sách xã hội.

Thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, thực hiện tốt chính sách pháp luật về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động; tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để theo dõi, thống kê tình hình lao động, việc làm trên địa bàn, làm cơ sở đánh giá, đề xuất, triển khai các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội quần chúng thường xuyên lắng nghe, phản ánh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp vận động nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ xã hội và tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội.

                                                                   Thanh Tòng