(Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải cho các thí sinh đạt giải)

Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Văn hoá Việt Nam” nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (1943-2023). Cuộc thi được phát động từ 09 giờ 30 phút, ngày 03/3/2023 đến 00 giờ, ngày 31/3/2023, sau gần 30 ngày tổ chức đã thu hút 154.000 lượt thi với tổng số 8831 thí sinh tham gia, trong đó có 28 thí sinh đạt giải theo đó Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 02 giải A, 05 giải B, 06 giải C và 15 giải khuyến khích cho các thí sinh đạt điểm cao trong tham gia cuộc thi.

Phát biểu tại buổi tổng kết ông Trần Hiếu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban Tổ chức Cuoọc thi nhấn mạnh đây là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam, với vai trò định hướng nhận thức và phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ của toàn Đảng, toàn dân. Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với giao diện tiện lợi thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân, thể hiện sự đổi mới trong công tác tuyên truyền. 

Bên cạnh nội dung tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Văn hóa Việt Nam”, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phường 1 Thành phố Cà Mau, Trung tâm Nghiên cứu văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khai mạc trưng bày di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận, đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và Quốc tế Bảo tàng 18/5.

(Ông Trần Hiếu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao hoa chúc mừng cho 02 đơn vị Bảo tàng tỉnh Cà Mau và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận)

Không gian trưng bày giới thiệu khái quát về đời sống văn hóa của tộc người Chăm Ninh Thuận, gồm 2 mảng chính đó là văn hóa vật chất (các nghề thủ công truyền thống của người Chăm như dệt, gốm…) và văn hóa tinh thần (âm nhạc, chữ viết, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè…), với các danh mục hình ảnh và hiện vật gồm 25 hình ảnh tiêu biểu về lễ hội, tín ngưỡng, sản phẩm nghề truyền thống, trang phục, nhạc cụ… cùng 68 hiện vật liên quan đến nghề thủ công, đồ dùng trong sinh hoạt đời thường và nghi lễ…”.

Một số hình ảnh trưng bày

Hứa Nguyên