Kế hoạch nêu: sau hai tháng thực hiện, thực tiễn đã chúng minh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là đúng hướng, sát thực tế, kịp thời, hiệu quả, đã từng bước hoàn thiện lý thuyết, công thức phòng, chống dịch. Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước đang được kiểm soát, kinh tế - xã hội từng bước phục hồi trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, số ca mắc mới hàng ngày có xu hướng gia tăng, số ca tử vong tăng ở một số địa phưcmg trên cả nước. Tình hình dịch có xu hướng diễn biến phức tạp có nguyên nhân tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đạt được và hiểu chưa đúng về hiệu quả của vắc-xin; cần tiếp tục tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus, đặc biệt khi việc đi lại của người dân gia tăng vào dịp Lễ, Tết.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19: Chậm nhất đến 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; phấn đấu cuối tháng 01/2022 phải hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi; phấn đấu đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3, ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Việc tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý 1/2022.

Để thực hiện chỉ đạo nêu trên, Kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch COVTD-19 với thông điệp “Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phòng, chống dịch năm 2021” (từ ngày 15/12 đến ngày 21/12/2021)], đề ra các nội dung như sau:

Đối với Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19):

- Chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới, kết luận khoa học của cơ quan chuyên môn về biến chủng mới Omicron kèm theo những lý giải, phân tích giữa tình hình dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh trên thế giới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam; đẩy nhanh hoàn thành kế hoạch tiêm mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, người trên 50 tuổi và có bệnh nền, kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi.

- Chủ động cung cấp thông tin và ban hành các văn bản, kế hoạch xử lý để giải toả các băn khoăn của dư luận về việc phân bổ và sử dụng các lô vắc-xin đã được thông báo gia hạn sử dụng, hướng dẫn các địa phương có phương án xử lý các vướng mắc (nếu có), đảm bảo an tâm, an toàn.

- Chủ động cung cấp thông tin và ban hành hướng dẫn về việc công nhận các kết quả tự xét nghiệm của cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong sinh hoạt, công tác, tránh tình trạng nhiều người liên tục phải xét nghiệm như hiện nay.

Đối với các cơ quan báo chí:

- Tiếp tục truyền thông chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh trước dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, kiên trì cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Thực hiện nhất quán trên toàn quốc các quy định của Nghị quyết 128, kiên trì thực hiện 3 trụ cột trong phòng chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vắc-xin + thuốc + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Phân tích rõ ràng về nguyên nhân và tỷ lệ tử vong xếp theo độ tuổi, bệnh lý nền và các nguyên nhân khác để rút ra các bài học kinh nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nhằm giảm tử vong.

- Truyền thông thống nhất và có trách nhiệm các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là yêu cầu thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vắc-xin và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc-xin”; tuyệt đối không đưa thông tin chưa kiểm chứng khi chưa có kết luận chính xác của các nhà khoa học về độ lây lan, độc lực, tính chất kháng vắc-xin của chủng mới Omicron.

- Truyền thông chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc các địa phương không được ban hành các biện pháp trái quy định của Trung ương, nếu trong quá trình thực hiện thấy một số vướng mắc, không phù hợp tình hình thực tiễn thì Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương báo cáo ngay Ban Chỉ đạo Quốc gia để xem xét bổ sung, điều chỉnh. Không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong thực hiện các biện pháp chống dịch.

- Truyền thông về việc học sinh đi học trở lại cần tạo sự yên tâm, không lo lắng của phụ huynh và học sinh, khi có sự điều chỉnh kế hoạch học tập trước thay đổi của cấp độ dịch, đặc biệt là làm rõ các phương án khả thi, phù hợp với học sinh ở lứa tuổi vị thành niên trong trường hợp áp dụng các biện pháp cách ly y tế, khoanh vùng dập dịch. Chú ý phản ánh đầy đủ, khách quan về tâm lý và kết quả học tập của học sinh sau một thời gian dài phải học trực tuyến.

- Tiếp tục tuyên truyền thống nhất triển khai ứng dụng PC-COVID, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tiểu ban Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch truyền thông đã ban hành và chỉ đạo truyền thông các nội dung tại Kế hoạch này; thực hiện chế độ báo cáo tuần và đề xuất các giải pháp để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Trong thời gian thực hiện, cần chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình.

 

Ngọc Phạm