Để nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (gọi tắt là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 18/7/2019 đề ra nhiệm vụ, mục tiêu thực hiện theo từng năm về việc Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Từ năm 2019 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành 10 văn bản chỉ đạo thực hiện; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau theo chức năng nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án. Theo đó, Sở Tư pháp kịp thời ban hành 25 văn bản triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, tổ chức thực hiện Đề án; Ủy ban nhân dân các huyện trên địa bàn và thành phố Cà Mau ban hành 58 văn bản để triển khai thực hiện Đề án.

(Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Năm Căn)

Sở Tư pháp thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện bầu chọn, công nhận, kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên; tích cực vận động Nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng dân cư bằng biện pháp hòa giải.Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, Thông tư liên tịch số 100/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan.

Sau khi triển khai Đề án, Các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận cùng cấp rà soát, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên. Tính đến ngày 30/10/2022, tỉnh Cà Mau có 883 tổ hòa giải (mỗi tổ từ 03 đến 07 hòa giải viên), với tổng số 5.315 hòa giải viên, gồm 1.091 nữ và 52 hòa giải viên là người dân tộc. Việc lựa chọn, bầu hòa giải viên, công nhận tổ hòa giải, hòa giải viên đảm bảo theo quy định. Cơ cấu tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo đầy đủ các thành phần tham gia theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở; trong đó có sự tham gia của Trưởng khóm, ấp, Tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, người có uy tín ở địa phương, cơ sở. Các hòa giải viên ở cơ sở có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên; một số hòa giải viên có trình độ trung cấp, đại học, cử nhân Luật, ... Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hằng năm, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận cùng cấp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; cung cấp tài liệu liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, 100% hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hòa giải viên ở cơ sở. Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải viên ở cơ sở được địa phương quan tâm, thực hiện thường xuyên; hầu hết các hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và khả năng vận dụng pháp luật vào quá trình hòa giải, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải viên ở cơ sở.

Bên cạnh đó, đã triển khai thực hiện mô hình, chỉ đạo điểm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại địa phương đối với 03 đơn vị cấp xã chỉ đạo điểm, có tổng số 24 tổ hòa giải ở cơ sở, 24 ấp, khóm, tổ dân phố và 177 hòa giải viên. Đến năm 2021, giảm 03 tổ và giảm 31 hòa giải viên (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình giảm 02 tổ, giảm 24 hòa giải viên; thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi giảm 01 tổ, giảm 07 hòa giải viên). Tính đến thời điểm tổng kết, có tổng số 21 tổ và 147 hòa giải viên. Qua các hoạt động triển khai thực hiện mô hình, Đề án cho thấy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận cùng cấp, các ngành, đoàn thể được nâng lên; triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan; cán bộ ấp, khóm và Nhân dân quan tâm, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Khi có mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ người dân tin tưởng, nhờ đến tổ hòa giải để giải quyết, vai trò hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở được thể hiện rõ nét. Tính chủ động, phát hiện vụ, việc của đội ngũ hòa giải viên ngày càng được phát huy; các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân được kịp thời hòa giải tại cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, hàng năm, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau còn in ấn và cấp phát hơn 50.000 tờ gấp pháp luật cấp phát đến Tổ hòa giải ở cơ sở tìm hiểu; đồng thời cấp phát 50 loại sách pháp luật cho 24 “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn; xây dựng và hoàn chỉnh các tình huống mẫu về hòa giải ở cơ sở và triển khai hướng dẫn cho hòa giải viên ở cơ sở; nhằm tạo điều kiện để Hòa giải viên nắm bắt kinh nghiệm áp dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tổ chức cuộc thi viết “tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở” nhằm góp phần triển khai sâu rộng pháp luật về hòa giải ở cơ sở đến Hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh 06 đ/c và cấp huyện công nhận tổng số 64 Tập huấn viên cấp huyện về công tác HGOCS giai đoạn 2019-2022.

 Về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 đến 2022 trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp thực hiện tổng số tiền 3.682.052.000 đồng; Trong đó: Kinh phí ngân sách nhà nước cấp là 3.661.052.000 đồng; huy động nguồn lực xã hội cho công tác hòa giải ở cơ sở là 21.000.000 đồng. Nhìn chung, kinh phí dành cho công tác HGOCS cơ bản đáp ứng yêu cầu; tuy nhiên ở một số nơi kinh phí vẫn chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định.

(Đoàn kiểm tra Sở Tư pháp kiểm tra kết quả thực hiện mô hình tổ hòa giải 5 tốt tại thị Trấn Đầm Dơi)

Các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra

Qua triển khai thực hiện Đề án, các mục tiêu đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, có 100% hòa giải viên cơ sở, tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định. Công tác hòa giải ở cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo theo quy định. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên được các ngành, các cấp quan tâm; trình độ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của hòa giải viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đa số hòa giải viên là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán ở địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. 

Về đội ngũ tập huấn viên tỉnh và cấp huyện đảm bảo có 100%  được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở. Đến năm 2022, đã kiện toàn đội ngũ tập huấn viên của tỉnh, có 05 được tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức.

 Đối với mô hình chỉ đạo điểm về “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2022 tại 03 đơn vị cấp xã chỉ đạo điểm mang lại nhiều kết quả đáng kể, hiện đang thực hiện đánh giá và tổng kết, nhân rộng vào cuối năm 2022.

Hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Đơn cử, năm 2019 nhận 2.387 vụ, hòa giải thành 1.845 vụ đạt 77,2%; năm 2020 nhận 2.266 vụ, hòa giải thành 2.092 vụ, đạt 92,3%; năm 2021 nhận 1.527 vụ, hòa giải thành 1.211 vụ, đạt 79%. Qua đó, làm giảm số lượng việc tranh chấp phải khiếu kiện đến tòa án; số vụ việc tranh chấp ra Ủy ban nhân dân cấp xã giảm đáng kể, chủ yếu các vụ, việc tranh chấp đất đai phải thành lập Hội đồng hòa giải theo quy định Luật Đất đai; số vụ, việc hòa giải ở cơ sở giảm theo hằng năm.

Tổ hòa giải và hòa giải viên ngày càng được củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; số vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư giảm đáng kể (giảm 6.160 vụ). Cụ thể giai đoạn 2015 - 2018 nhận 13.647 vụ, việc, hòa giải thành 10.971 vụ, việc, đạt 80,3%; giai đoạn 2019 - 2022 các tổ hòa giải nhận 7.487 vụ, việc, hòa giải thành 6.130 vụ, việc, đạt 81%.

Qua thực hiện Đề án đã góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ dân cư được các tổ hòa giải và hòa giải viên kịp thời hòa giải, góp phần giữ gìn tình đoàn kết của cộng đồng dân cư.  Tuy nhiên, công tác hoà giải ở cơ sở mặc dù được quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng tỷ lệ hoà giải thành ở một số địa phương còn thấp. Một số cấp ủy, chính quyền từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức đối với công tác HGOCS; hoạt động kiểm tra, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải, hòa giải viên của UBND cấp huyện, cấp xã từng lúc, từng nơi còn chậm, thiếu sự chủ động. Mức chi thù lao hòa giải ở cơ sở theo quy định còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; chưa thu hút được đội ngũ luật sư, luật gia, công an, bộ đội biên phòng, người am hiểu, có kiến thức về pháp luật tham gia công tác HGOCS. Kinh phí cho công tác HGOCS mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách của một số địa phương còn hạn chế, nên dành kinh phí cho công tác HGOCS từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân hạn chế trên một phần là do, hoạt động hòa giải ở cơ sở mang tính tự nguyện của các bên tranh chấp, có quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu hòa giải, không phải là thủ tục bắt buộc. Vì vậy, trên thực tế tuy có nhiều vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở nhưng các bên có mâu thuẫn, tranh chấp không muốn và không đề nghị tổ chức hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đối với các vụ, việc tranh chấp đất đai rất khó thực hiện, hầu hết là hòa giải không thành, nên dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành đạt còn thấp. Chưa có cơ chế khuyến khích người có trình độ, hiểu biết pháp luật như luật gia, luật sư, chuyên gia, ... tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành đã qua một số nơi thực hiện chưa tốt. Do quy định của pháp luật chưa có tính ràng buộc cao, hoạt động hòa giải ở cơ sở mang tính tự nguyện.

Thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thường xuyên chỉ đạo các ngành, các cấp củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Ủy ban nhân nhân dân cấp huyện chú trọng nâng cao hiệu quả công tác HGOCS; nâng cao tính chủ động của Tổ hòa giải và hòa giải viên; quan tâm đầu tư kinh phí kịp thời phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu, người có uy tín, kinh nghiệm xã hội tham gia công tác HGOCS; Để từ đó góp phần Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới tốt hơn, hiệu quả cao hơn xứng tầm với công tác hòa giải ở cơ sở “Việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”./.

Hùng Cường