Tôi lên Lê Ngọc D,  anh trai tôi tên Lê Văn A, năm 2020 trong một lần đi làm rẫy  tình cờ anh tôi nhặt được 01 cái máy cắt cỏ ai đã bỏ quên bên sườn núi, sau một ngày chờ đợi và tìm kiếm mà không thấy chủ nhân của chiếc máy quay lại tìm, anh tôi đã làm thủ tục thông báo nhặt được tài sản theo đúng quy định, nhưng không có ai đến nhận. Hơn một năm sau, anh tôi bán lại chiếc máy cắt cỏ đó cho ông Trần Văn T với giá 1.500.000đ. Sau khi mua, ông T đã sử dụng máy cắt cỏ đi cắt cỏ thuê kiếm sống. Năm tháng sau khi ông T mua máy cắt cỏ, tình cờ một ngày trong lúc đang cắt cỏ thuê thì ông Lý Văn B nhận ra chiếc máy mà ông T đang sử dụng là của mình (do ông B có bằng chứng minh được tài sản đó là của mình) nên ông B yêu cầu ông T ngoài việc trả lại máy cắt cỏ cho ông mà còn phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà ông T kiếm được từ việc sử dụng máy cắt cỏ, ông B cho rằng ông T đã sử dụng tài sản của mình để kiếm tiền thì số tiền kiếm được đương nhiên là của ông.

Vậy cho tôi hỏi, ông Trần Văn T có phải trả lại máy cắt cỏ và tiền thu được từ việc cắt cỏ thuê trong năm tháng qua cho ông Lý Văn B không?

Trả lời

Với câu hỏi của Bà tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, Ông Lê Văn A  nhặt được máy cắt cỏ bên sườn núi, sau khi nhặt được ông A đã làm đúng thủ tục theo luật định là đã tìm kiếm chủ nhân của chiếc máy, sau khi tìm kiếm và chờ đợi một ngày không thấy chủ nhân đến nhận lại ông A đã trình báo với công an nơi ông A đang sinh sống và đã làm đúng thủ tục theo quy định nhưng vẫn không có ai là chủ sở hữu đến nhận. Hơn một năm sau ông A mới bán máy cắt cỏ cho ông Trần Văn T. Theo Điều 230 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên:

“1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, sau khi xác lập quyền sở hữu tài sản (máy cắt cỏ có giá trị khoảng 1.500.000 đồng) ông  A mới bán cho ông T. Việc bán tài sản của ông A là đúng quy định vì ông A là chủ sở hữu tài sản.

Thứ hai, ông Trần Văn T mua máy cắt cỏ từ ông Lê Văn A, trong khi ông A được quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Sau đó ông T đã sử dụng tài sản mình mua được làm phương tiện để kiếm sống hằng ngày. Như vậy, ông T chiếm hữu ngay tình và là chiếm hữu có căn cứ pháp luật. Điều 180 Bộ luật dân sự  2015 quy định “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”, bao gồm hai loại là: chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Như nêu ở trên, thì ông Trần Văn T là người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định pháp luật (Điều 165 Bộ Luật Dân sự 2015), ông T là người chiếm hữu có căn cứ pháp luật.

Thứ ba, ông T đã sử dụng máy cắt cỏ mua được làm công cụ kiếm sống hàng ngày nên số tiền thu được từ máy cắt cỏ đó là lợi tức phát sinh từ chiếm hữu ngay tình,  Điều 109 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hoa lợi, lợi tức: “1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. 2. Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản”. Khoản 3 điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó”.

Từ những quy định của pháp luật như vừa viện dẫn trên thì ông T không có nghĩa vụ phải trả lại máy cắt cỏ và tiền thu được từ việc dùng máy đi cắt cỏ thuê cho ông B./.

Lâm Tư