Cưỡng ép ly hôn được hiểu là hành vi đe dọa, sử dụng công cụ, phương tiện để hành hạ, đánh đập, ngược đãi hoặc dùng lời nói để uy hiếp tinh thần hoặc dùng tiền…để trao đổi việc ly hôn, buộc người khác phải chấm dứt mối quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Hành vi cưỡng ép ly hôn được xem trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của vợ hoặc chồng trong mối quan hệ hôn nhân. Do đó, có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ, cụ thể như sau:

- Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi “Cưỡng ép ly hôn” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Cụ thể Điều 59 tại khoản 2 điểm c quy định: “Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn”.

- Ngoài bị áp dụng xử lý hành chính đối với hành vi cưỡng ép ly hôn thì người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 181 của Bộ luật hình sự quy định “Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Như vậy, người nào sử dụng những công cụ, phương tiện để đánh đạp, đe dọa hoặc sử dụng lời nói để tác động đến tinh thần của đối phương hoặc sử dụng bất kỳ hành vi nào khác nhằm mục đích buộc người khác phải ly hôn thì bị xử lý hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy theo mức độ và nếu còn vi phạm, thì có thể sẽ bị phạt tù đến 03 năm.

Phạm Thảo