Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh để cụ thể hóa, triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, từ đó dẫn đến chậm triển khai thực hiện, thiếu cơ sở pháp lý trong quản lý, điều hành. Một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, chất lượng còn hạn chế, phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa nhiều lần hoặc phải dừng lại,… dẫn đến tình trạng chậm tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc thông qua so với chủ trương, tiến độ được giao.

1. Một số nguyên nhân cụ thể   

* Về nguyên nhân khách quan: 

- Hiện nay hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Hàng năm, các cơ quan trung ương ban hành rất nhiều văn bản, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội và thường xuyên rà soát để ban hành thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (theo quy định tại Điều 27) và Quyết định của UBND tỉnh (theo quy định tại Điều 28) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng còn những khó khăn, bấp cập.

- Một số văn bản trung ương giao cho địa phương quy định chi tiết chưa xác định rõ thẩm quyền (về hình thức và nội dung) ban hành văn bản, nên dẫn đến các cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong quá trình tham mưu, đề xuất. Mặt khác, trong thực tế còn phát sinh các văn bản chỉ đạo của trung ương chưa thống nhất với các quy định của pháp luật thực định nên địa phương cũng gặp những khó khăn nhất định.

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh hiện nay không còn tổ chức pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ. Công tác pháp chế chỉ giao cho 01 công chức thực hiện, hầu hết là kiêm nhiệm. Số lượng cán bộ pháp chế và người làm công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật của cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. 

* Về nguyên nhân chủ quan: 

- Một số đơn vị thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị không trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao theo quy định.

- Chưa thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác rà soát văn bản QPPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý để kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý triệt để các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

- Các đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa tích cực, chủ động trong việc tổ chức thực hiện. Việc chọn và phân công công chức chưa có chuyên môn sâu, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính khả thi khi được ban hành hoặc thông qua.

- Cơ quan, người có thẩm quyền khi cho chủ trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đủ thời gian theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để cơ quan được phân công soạn thảo thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. 

2. Một số giải pháp khắc phục

Để khắc phục tình trạng chậm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

* Đối với các sở, ban, ngành tỉnh:

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh: Phải trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao theo quy định. Xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn kết việc xây dựng pháp luật với tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật. 

- Thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành và thực tiễn quản lý của ngành, lĩnh vực để chủ động tham mưu, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh kịp thời, đúng quy định, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện quy định của pháp luật.

- Việc tham mưu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải xác định rõ về sự cần thiết ban hành; tên gọi văn bản cần ban hành; phạm vi, đối tượng áp dụng và nội dung chính của văn bản; thời điểm ban hành; tính ổn định và khả thi của văn bản khi ban hành. Khi được giao chủ trì soạn thảo phải khẩn trương xây dựng văn bản, trình cấp thẩm quyền xem xét, ban hành đảm bảo theo tiến độ, chất lượng; việc lấy ý kiến đóng góp phải được tổ chức rộng rãi bằng nhiều hình thức để đảm bảo cho tất cả các đối tượng tham gia đóng góp ý kiến, đặc biệt là ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và phải được tiếp thu, giải trình cụ thể; khắc phục tình trạng chậm trễ, xin lùi thời gian trình ban hành so với dự kiến. 

- Chấp hành nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11 ngày 12 tháng 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Quyết định số 33/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Cà Mau.

- Trong quá trình soạn thảo, đơn vị được phân công phải tích cực, chủ động thực hiện. Lựa chọn những công chức có chuyên môn sâu, kinh nghiệm và kỹ năng soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh để thống nhất về trình tự, thủ tục; nội dung, hình thức và các vấn đề khác có liên quan để tạo sự thống nhất chung trong việc tham mưu, đề xuất; góp phần đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản, đảm bảo tính khả thi khi được ban hành hoặc thông qua.

* Đối với Sở Tư pháp: 

- Tổng hợp, theo dõi, báo cáo kết quả định kỳ hàng tháng về tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, nêu cụ thể: số văn bản cho chủ trương, đã ban hành hoặc thông qua, ban hành đúng thời hạn, ban hành chậm so với thời hạn được giao,… đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và đề xuất hướng xử lý cụ thể để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.

- Đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xác định “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật” theo quy định tại Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong đó, có trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 8 Điều này, cụ thể:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện./.

Trung Đông