(Ảnh minh họa - nguồn baochinhphu.vn)

Gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giáo dục giữa các thành viên. Như lẽ thông thường, mỗi con người khi sinh ra đều có một gia đình. Vì thế ánh mắt đầu tiên của con là cái nhìn về cha mẹ, âm thanh đầu tiên tiếp nhận là âm thanh từ cha mẹ, ông bà, anh chị - âm thanh của gia đình. Sự hình thành, phát triển nhân cách, sự trưởng thành của trẻ em chủ yếu là do môi trường giáo dục của gia đình tạo nên. Chính vì vây, gia đình cần quan tâm và có biện pháp giáo dục đối với trẻ em, nhất là trong tình hình đất nước hội nhập, phát triển hiện nay, sự du nhập của văn hóa phương Tây, mặt trái của nền kinh tế thị trường, mặt trái của mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các gia đình, gây ra nhiều hệ lụy cho trẻ em như: lối sống, suy nghĩ lệch lạc; sa vào tệ nạn ma túy, bạo lực, quan hệ tình dục sớm…đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự trưởng thành của các em.

Để phát triển hoàn thiện về nhân cách của các em, thì gia đình mà trước hết, cha mẹ phải là tấm gương cho con. Tấm gương của cha mẹ để con noi theo đó là là cách cư xử với nhau, cư xử với cha mẹ, ông bà, với những người xung quanh và thái độ trách nhiệm với xã hội. Cha mẹ là tấm gương đầu đời gần gũi với con, khi cha mẹ là tấm gương tốt, mẫu mực sẽ tạo điều kiện quan trọng để con cái  trở thành những người có nhân cách tốt và ngược lại. Gia đình được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; sự bình đẳng được thể hiện khi mọi thành viên trong gia đình đều có quyền nói lên tiếng nói của mình, phải thật sự tôn trọng nhau, không phân biệt giới. Các em trai và gái đều có quyền lợi nghĩa vụ như nhau, được thụ hưởng mọi giá trị như nhau trong học tập, sinh hoạt và trong cuộc sống. Cha, mẹ hoặc vợ, chồng phải được tôn trọng như nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau những vấn đề của cuộc sống. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng xã hội nên các em tiếp cận rất nhanh cả những điều hay và nhiều điều xấu, do vậy cha mẹ cần cập nhất thông tin, nắm bắt được nhu cầu, tâm sự của trẻ để có phương pháp tác động phù hợp đạt hiệu quả. Cha mẹ cũng cần học hỏi, hiểu biết kiến thức về thiên nhiên, xã hội để chia sẻ, định hướng sự phát triển nhân cách của các em, nhưng cũng cần tránh sự bất đồng về nội dung, phương pháp trong gia đình gây sự hoang mang, thiếu niềm tin ở các em.

Trong giai đoạn xã hội phát triển và hội nhập thì vai trò giáo dục của gia đình trong việc hình thành nhân cách của trẻ em càng trở lên quan trọng và cấp thiết. Theo tác giả, các biện pháp giáo dục để hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em trong gia đình mang lại hiệu quả, đó là:

Thứ nhất, giáo dục các em thông qua truyền thống gia đình: Giáo dục truyền thống gia đình tạo cho các em niềm tự hào về gia đình và dòng họ như gia đình có nhiều người thành đạt, trong gia đình có nề nếp và cách sống đẹp. Chính truyền thống gia đình và dòng họ sẽ là tấm gương cho các em học theo, rèn luyện và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Thứ hai, giáo dục bằng nêu gương: Đó là biện pháp giáo dục bằng cách thông qua những tấm gương sáng trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh em, trẻ em lớn lên và được tiếp cận cách sống, ứng xử của những người xung quanh, từ đó hình thành nhân cách tốt qua trải nghiệm thực tế “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Thứ ba, biết tổ chức các hoạt động hợp lý trong gia đình: Các loại hình hoạt động ở gia đình rất đa dạng và phong phú, đó là các buổi sinh hoạt gia đình, hoạt động lao động, học tập, hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, giao lưu, thăm hỏi họ hàng…Qua các hoạt động này giúp trẻ em gắn bó với gia đình, tạo ra hứng thú trong cuộc sống, biết chia sẻ, cũng từ đó hình thành, phát triển khả năng, phẩm chất, kỹ năng sống, thích ứng và xử lý tốt các tình huống phát sinh trong gia đình, ngoài xã hội.

Để giúp trẻ em trưởng thành, có nhân cách tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội... cũng rất cần có định hướng rõ rệt, cụ thể, một phương pháp giáo dục khoa học và điều thiết yếu cần phải kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Phạm Thảo