(Ảnh minh hoạ)

1. Khái niệm và một số vướng mắc của người cao tuổi
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, mọi người thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Nhiều người đều lầm tưởng người già và người cao tuổi là một, song hoàn toàn không phải vậy.

Về khái niệm “người già”, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có nhắc đến nhưng không có giải thích rõ ràng. Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên và tại điểm a Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì “Người quá già yếu” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” quy định tại các điều luật trong Bộ luật Hình sự thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã thay thế quy định “người già” bằng khái niệm “người đủ 70 tuổi trở lên” Nhưng một số điều luật tại Bộ luật Hình sự 2015 vẫn giữ quy định “người già yếu” hay “người quá già yếu” làm căn cứ định khung hoặc tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về khái niệm “người cao tuổi”, theo WHO, người cao tuổi là người từ 70 tuổi trở lên. Một số nước phát triển như Đức, Mỹ... quy định người cao tuổi là người trên 65 tuổi. Theo quy định tại Việt Nam, Luật người cao tuổi Việt Nam năm 2009 quy định: người cao tuổi là “công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”.
Trong bài viết này, đề cập đến người cao tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi Việt Nam.

 Về mặt pháp lý, người cao tuổi thường có những  vướng mắc sau:

- Vướng mắc về chế độ chính sách: Do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người cao tuổi không biết được các quy định của Nhà nước đối với họ để được hưởng. Mặt khác, một số cơ quan Nhà nước có nơi việc giải quyết các chế độ chính sách còn chưa đúng hoặc chưa thoả đáng đã phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi mà họ đáng lẽ được hưởng;

- Vướng mắc trong lĩnh vực pháp luật dân sự: thừa kế, tranh chấp về quyền sử dụng đất có liên quan đến tranh chấp về địa giới hành chính, tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất, tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất ranh chấp hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp hoặc bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất …;

- Vướng mắc trong pháp luật hình sự: có trường hợp người cao tuổi bị đối xử ngược đãi, bị bạo lực do sự phụ thuộc kinh tế vào con cái; hoặc phạm tội do hoàn cảnh kinh tế khó khăn…

2. Thực trạng người cao tuổi tại Việt Nam

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi); có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%); tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%.  Gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%).
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.  Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người cao tuổi từng bước được cải thiện. Song đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa. 

3. Kết quả trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi từ khi  Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực đến nay
Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực cho đến nay (từ 2018-2022), các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố (Trung tâm trợ giúp pháp lý) đã thực hiện được hơn 5.600 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó 79,4% là vụ việc tư vấn, 19,5% là vụ việc tham gia tố tụng, 1,1% là vụ việc đại diện ngoài tố tụng.  Có thể thấy rằng, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý 2017 được ban hành và định hướng về tập trung thực hiện các vụ tố tụng theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đã đẩy mạnh hoạt động thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là tham gia tố tụng. Chỉ trong 04 năm (2018-2021) mà số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi đã bằng 68% so với 07 năm (2011-2017). Tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng cho người cao tuổi trong giai đoạn 2018-2021 cũng tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2011-2017.

(Ảnh minh hoạ)

4. Một số kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

4.1. Một số kỹ năng giao tiếp với người cao tuổi
- Kỹ năng lắng nghe
Người cao tuổi khi gặp ai đó có thể họ sẽ nói rất nhiều, do vậy hãy kiên nhẫn lắng nghe. Im lặng để nghe họ nói, không xen ngang, không sốt ruột khi họ trình bày. Nghe và quan sát họ: hình thể, ăn mặc, các điệu bộ, quan sát liệu có các dấu vết nghi ngờ của bạo hành không trên người (xem có bị xâm hại không).

- Tiếp xúc bằng mắt thể hiện sự tập trung chú ý của người nghe vào câu chuyện mà người cao tuổi đang muốn nói. Điểm nhìn nên vào sống mũi của người giao tiếp thay vì nhìn thẳng vào mắt, điểm nhìn đó sẽ tạo ra sự lan tỏa cho cả khuôn mặt, người cao tuổi sẽ không có cảm giác bị dò xét.

- Người cao tuổi có thể có gặp khó khăn với việc nghe, do vậy cần chú ý khả năng thính giác của họ để điều chỉnh âm điệu và độ lớn vừa phải, phù hợp với khả năng thính giác của người cao tuổi. Âm giọng cần đủ độ lớn tùy thuộc vào khả năng nghe của người cao tuổi đang tiếp xúc. Tránh nói quá nhỏ vì do người cao tuổi hạn chế về thính giác, cũng tránh nói quá to dễ làm hiểu nhầm là không tôn trọng (hiểu nhầm là quát mắng họ).

- Những cách động tay, tiếp xúc tay vào người cao tuổi cũng cần lưu ý: Với người cao tuổi cái nắm tay họ sẽ là một cử chỉ thể hiện sự thân thiện hơn là để tay lên vai.

- Thể hiện sự thấu cảm khi giao tiếp với người cao tuổi 
Người cao tuổi có thể thường than phiền về những vấn đề xung quanh họ như sức khỏe, sự cư xử của thành viên trong gia đình...
Hãy lắng nghe và thấu hiểu cho những khó khăn của người cao tuổi, những vấn đề họ đang đối mặt bằng cách:

- Đặt mình vào hoàn cảnh của người cao tuổi để hiểu khó khăn hiện tại của người cao tuổi

- Thỉnh thoảng có những câu phản hồi ngắn gọn thể hiện sự quan tâm.

- Cảm nhận và hiểu cảm xúc, những điều mà người cao tuổi đã trải qua.

- Quan tâm đến nhu cầu của người cao tuổi.

- Nhạy cảm và tôn trọng những giá trị, kinh nghiệm sống của người cao tuổi.

- Chia sẻ, bộc lộ bản thân nghĩa là người thực hiện TGPL chia sẻ những thông tin cá nhân về mình (cảm xúc, suy nghĩ, kinh nghiệm) với người cao tuổi trong quá trình làm việc để giúp người cao tuổi vượt qua một vấn đề hay một cảm xúc nào đó. Sự tiết lộ trung thực của người thực hiện TGPL có thể tạo thuận lợi cho người cao tuổi cởi mở và có thể là hình mẫu cho những hành vi tích cực của người cao tuổi. Đồng thời, tạo sự gần gũi giữa người thực hiện TGPL và người cao tuổi. Lưu ý chỉ chia sẻ những thông tin có thể giúp cho việc tăng cường mối quan hệ hoặc chia sẻ vì lợi ích tốt nhất của người cao tuổi chứ không phải là “buôn chuyện”).

- Sử dụng các cử chỉ, điện bộ phù hợp khi giao tiếp với người cao tuổi  

Hành vi cử chỉ khi giao tiếp của người thực hiện TGPL với người cao tuổi ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả giao tiếp và quá trình giúp đỡ. Người thực hiện TGPL cần chú ý tư thế ngồi, đứng, cách nói chuyện với người cao tuổi  cho phù hợp. Nếu họ bị gù, thấp hơn mình thì khi nói cần cúi xuống nhiều để thuận lợi cho việc giao tiếp, Khi ngồi nên cúi đầu sâu để thể thiện sự tôn trọng, thân thiện

4.2. Kỹ năng đặt câu hỏi

Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của người thực hiện TGPL trong quá trình hành nghề, nhằm khai thác thông tin trong cuộc nói chuyện. Việc sử dung câu hỏi hợp lý cho phép người thực hiện TGPL khai thác được nhiều thông tin hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Mặt khác, thông qua việc trả lời các câu hỏi, người thực hiện TGPL có thể hiểu sâu hơn về câu chuyện, vụ việc mà người cao tuổi đang chia sẻ, đồng thời hiểu hơn về mong muốn nhu cầu của người cao tuổi.Thông thường, người thực hiện TGPL sử dụng 02 dạng câu hỏi, cụ thể:

- Câu hỏi đóng: Đây là loại câu hỏi nhằm khẳng định thông tin và thường không nhận thông tin nào thêm. Dạng câu hỏi này thường đi với các cụ từ như “có”, “phải không”, “đúng không”…; câu trả lời thường sẽ là “có” hoặc “không”.
Không nên sử dụng nhiều câu hỏi đóng, bởi với loại câu hỏi này, thông tin thu được thường rất hạn chế, chỉ nên sử dụng trong trường hợp cần xác minh/ khẳng định lại thông tin/ dữ liệu của câu chuyện mà người cao tuổi chia sẻ

- Câu hỏi mở: Đây là loại câu hỏi thương được dùng để thu thập thông tin, bởi với loại câu hỏi này, lượng thông tin được người cao tuổi trình bày sẽ nhiều, và người cao tuổi cũng dễ kể sự việc mà họ muốn được trợ giúp. Loại câu hỏi này thường có các cum từ “như thế nào?”, “khi nào?”…,

- Câu hỏi dẫn dắt: Đây là dạng câu hỏi nhằm dẫn dắt người nói tiếp tục câu chuyện để giúp người thực hiện TGPL có thể lắng nghe, xem xét tổng thể, khách quan hơn về câu chuyện đang được người cao tuổi chia sẻ. Loại câu hỏi này thường có các cụm từ như: “Thế còn…. Thì sao?”, “Ông/bà có thể nói thêm về…?”

4.3. Kỹ năng trợ giúp pháp lý 

Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi gồm 3 hình thức là: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Trong phần này chỉ giới hạn một số kỹ năng tư vấn pháp luật cho người cao tuổi là người được trợ giúp pháp lý.

Tư vấn pháp luật và việc người được TPGL được trợ giúp viên pháp lý/luật sư/người thực hiện trợ giúp pháp lý khác của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật, hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. Tư vấn pháp luật gồm các bước sau:

Thiết lập giao tiếp với người được TGPL, tạo ra tâm lý tích cực cho họ;

Nghe người được TGPL trình bày vấn đề và yêu cầu của họ

Thu thập và đối tượng với các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề.

Đưa ra các giải pháp và lời khuyên cho người được TGPL

Để thực hiện hiệu quả tư vấn pháp luật, người thực hiện TGPl phải có các kỹ năng cần thiết để xây dựng mối quan hệ với người được TGPL, tương tác thông tin, giúp người được TGPL có khả năng giải quyết tốt nhất vấn đề của mình. Một số nhóm kỹ năng có thể nhắc tới như:

Thứ nhất, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với người được TGPL

Người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL. Áp dụng các kỹ năng như mềm (đã được cụ thể ở phần trên). Mục đích: tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa người thực hiện TGPL và người được TGPL; tạo ra mối quan hệ tôn trọng lợi ích cộng đồng, sự tuân thủ pháp luật.
Yêu cầu: mối quan hệ trong tư vấn pháp luật phải cởi mở, chân thành, tin cập và chuẩn mực.

Thứ hai, kỹ năng thu thập thông tin 

Mục đích: thu thập thông tin để hiểu bản chất sự việc; hiểu mong muốn, yêu cầu của người được TGPL là người cao tuổi; hiểu cơ sở để giải quyết vấn đề.
Yêu cầu: cần phải đảm bảo tính toàn diện và tính đầy đủ; tính khách quan và tính có căn cứ pháp lý của thông tin. Trong quá trình thực hiện áp dụng các kỹ năng như mềm (đã được cụ thể ở phần trên).

 Người thực hiện trợ giúp pháp lý cần xác định mục tiêu của mình cho từng cuộc tiếp xúc với người được TGPL, dù là lần đầu hay đã tiếp xúc nhiều lần. Khi tiếp xúc với người được TGPL, người thực hiện TGPL cần ghi chép lại để có thể dựa vào đó mà tư vấn. Trong quá trình tiếp xúc, người thực hiện TGPL cần kiểm tra lại các ghi chép của mình và hỏi lại người được TGPL những vẫn đề có thể còn. Thiếu, chưa hợp lý mà người thực hiện TGPL phát hiện từ những ghi chép.

Thứ ba, kỹ năng cung cấp giải pháp trong tư vấn pháp luật

Mục đích: giúp người được trợ giúp pháp lý hiểu được các quy định của pháp luật đối với vấn đề, giải đáp dduwoj những vướng mắc về mặt pháp lý của vấn đề tự quyết định được cách hành động tốt nhất.
Yêu cầu: phải đưa ra đầy đủ thoogn tin cần thiết, phân tích đầy đủ và toàn diện mọi khía cạnh của vấn đề.

Người thực hiện TGPL cần sử dụng kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, phân tích vụ việc, xác định vấn đề pháp lý và kỹ năng nghiên cứu, tra cứu tài liệu pháp luật, tìm cơ sở pháp lý để giải thích, hướng dẫn phù hợp với pháp luật.

Ở bước này, người thực hiện TGPL cần xác định vấn đề của người được TGPL thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định pháp luật nào và giải pháp pháp lý nào là thích hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quy định của pháp luật Việt Nam thường xuyên thay đổi, thì người thực hiện TGPL cần nghiên cứu, tra cứu, rà soát các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính phù hợp pháp luật và có thể đem lại thêm giải pháp khác.

Người thực hiện TGPL cần xác định các giải pháp để giải quyết vấn đề pháp lý; Đánh giá ưu, nhược điểm của từng giải pháp để xác định giải pháp phù hợp cho vấn đề pháp lý cần tư vấn và mong muốn của người được TGPL:

- Sau khi đã có đầy đủ thông tin về vấn đề và xác định được quy phạm áp dụng, người thực hiện TGPL cần đề xuất một hoặc một số giải pháp pháp lý cho người được TGPL để giải quyết vấn đề.

- Người thực hiện TGPL cần có đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp để người được TGPL lựa chọn giải pháp tối ưu hoặc phòng ngừa được các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp được lựa chọn.

- Sau khi đánh giá được ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp, người thực hiện TGPL sẽ tư vấn cho người được TGPL giải pháp pháp lý phù hợp nhất theo quan điểm của người thực hiện TGPL và mong muốn của họ. Người được TGPL cũng có thể lựa chọn giải pháp khác trong số các giải pháp mà người thực hiện TGPL đã đưa ra hoặc người cao tuổi có thể chọn giải pháp riêng của mình.

 

https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1954&l=Nghiencuutraodoi

Nguồn https://tgpl.moj.gov.vn