Trong điều kiện hệ thống pháp luật nước ta đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung; việc người dân tiếp cận với pháp luật để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, xử sự phù hợp trong các quan hệ xã hội không phải dễ dàng. Do đó Trợ giúp pháp lý cho các nhóm người yếu thế là yêu cầu khách quan cần thiết và hết sức quan trọng. Trợ giúp pháp lý sẽ góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí, lành mạnh hóa quan hệ xã hội, củng cố lòng tin của người dân vào Nhà nước, pháp luật.

Nhiều năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ngoài nhiệm vụ thực hiện thường xuyên của Trung tram Trợ giúp pháp lý tỉnh, cũng đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để triển khai Thông tư liên tịch số 10 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Toà án nhân dân tối cao; các thành viên của Hội đồng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyèn địa phương thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh ký hợp đồng với các Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý khi đương sự tiến hành tố tụng. Tại cơ quan tiếp công dân, trại tạm giam, nhà tạm giữ, phòng xử án; Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã lắp đặt bảng thông tin, tờ gấp, danh sách luật sư, số điện thoại luật sư trợ giúp pháp lý. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp về trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, các đương sự hoặc người thân của họ dễ dàng tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý.

Trong năn 2022 trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được 385 vụ việc, 385 lượt người. Các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đã cấp giấy chứng nhận trợ giúp viên pháp lý, Luật sư để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp cho người được 385 vụ việc. Trong đó, lĩnh vực pháp luật Hình sự 133 vụ, Dân sự 249 vụ, Hành chính 09 vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế công tác trợ giúp pháp lý vẫn còn nhiều khó khăn, việc giải thích, hướng dẫn cho người được trợ giúp pháp lý về quyền được trợ giúp pháp lý từng lúc chưa đầy đủ; nội dung giải thích quyền được trợ giúp pháp lý một số vụ việc chưa được thể hiện trong hồ sơ; số vụ việc được cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ít so với tổng số vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu lý. Sự hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý còn hạn chế, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số...Việc triển khai thực hiện các quy định của Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng chưa được thường xuyên.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác trợ giúp pháp lý, đem lại quyền lợi thiết thực cho người yếu thế trong xã hội; thực hiện tốt chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, hướng đến xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gắn với công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật trợ giúp pháp lý, đa dạng hóa các phương thức truyền thông lựa chọn nội dung phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức đa dạng như thông qua báo chí, phát thanh truyền hình, bảng thông tin, hộp tin, tờ gấp về trợ giúp pháp lý phù hợp với đặc thù từng vùng, tập quán từng địa phương, trình độ dân trí của người dân. Chú trọng truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý để nâng cao hiểu biết của cán bộ, người dân và các đối tượng được trợ giúp pháp lý về hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tăng cường công tác phối hợp triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân, đảm bảo thực hiện các nội dung trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định.

Nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thông tin, giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự trong các vụ, việc; nhất là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình. Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trợ giúp pháp lý, nhất là kỹ năng tham gia tố tụng.

Tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng.  Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý. Tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng từ tỉnh đến huyện trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý một cách nhanh chóng, kịp thời.

Tăng cường quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, phản hồi kết quả giải quyết vụ việc đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài; bổ sung thêm biên chế, kinh phí cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tương xứng với vai tró, ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý.

Với những nội dung nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước theo Quyêt định số 2070 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tằn cường thực hiện Chương trình phối giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhan dân tối cao về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân và  thực hiệncác văn bản có liên quan về công tác trợ giúp pháp lý theo đúng quy định.

                                                                        Thanh Tòng