Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung một số điểm mới quan trọng như:

- Giải thích từ ngữ (Điều 2) đó là: Tách khái niệm “tội phạm về ma túy” ra khỏi “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy” vì tệ nạn là hiện tượng xã hội còn tội phạm là hành vi cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự cần tập trung đấu tranh (khoản 8 Điều 2);

- Bổ sung khái niệm Người sử dụng trái phép chất ma túy: Là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương (khoản 10 Điều 2). Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.

- Bổ sung khái niệm Cai nghiện ma túy: Là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này. (khoản 13 Điều 2). Việc bổ sung khái niệm này giúp nhận thức đầy đủ về công tác cai nghiện ma túy;

- Bổ sung quy định về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; các nguồn tài chính hợp pháp khác ( Điều 4); 

Để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy bổ sung quy định: Người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 01 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23);

Đối với cai nghiện ma túy:

- Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) (Điều 27);

 - Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy thông qua việc quy định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (Điều 29);

- Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (Điều 32);

- Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.

- Bổ sung quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy có thể thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 31, Điều 35); quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 35, Điều 36) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 3 Điều 30).

- Quy định cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua (khoản 7 Điều 30)…

Thay đổi lớn nhất là Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như:

- Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy;

- Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất.

- Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

-  Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy…

- Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy (Điều 5);

Đối với trách nhiệm phòng, chống ma túy Luật 2021 bổ sung, thay đổi các nội dung sau:

* Trách nhiệm của cá nhân, gia đình:

Việc quy định cá nhân, gia đình có trách nhiệm: “Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác” không khả thi, rất khó khăn để thực hiện. Vì vậy, Luật 2021 đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy (Điều 6);

Trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy: 

Luật phòng chống ma túy năm 2021 mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Việc bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan;

* Quy trình cai nghiện ma túy: Luật phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung quy trình cai nghiện ma túy gồm các bước: Tiếp nhận, phân loại; Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Lao động trị liệu, học nghề; Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng (Điều 29)./.

                                                                                      Lê Đồng