Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp và 03 Doanh nghiệp đấu giá tài sản, với 12 đấu giá viên.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp đã chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động sang cơ chế tự chủ toàn bộ về tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đối với các doanh nghiệp đấu giá tài sản đã chuyển đổi đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, điển hình như: ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường triển khai thực hiện các quy định về đấu giá tài sản;....

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục Thi hành án dân sự tỉnh ban hành hướng dẫn liên ngành về việc thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác đấu giá tài sản nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện tiêu chí về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Từ đó, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị có tài sản thực hiện việc chọn lựa tổ chức đấu giá tài sản, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Trong năm 2020, các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện đấu giá thành 168 cuộc, tổng giá trị tài sản bán được trên 252 tỷ đồng, tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán so với giá khởi điểm trên 35 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 trong một số trường hợp chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch nhưng địa phương không thể xử lý do quy định tại khoản 4 Điều 56 chưa cụ thể, rõ ràng; việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường; chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tài sản thi hành án, dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia đấu giá, tài sản đấu giá được bán nhiều lần không thành, tỷ lệ tài sản đấu giá thành so với hợp đồng ký kết không cao.

Ngoài ra, hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều ngành khác nhau. Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện, trong khi các yếu tố quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công,... Từ đó, hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá trên địa bàn cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định.

Mặc dù hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản; Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên; theo dõi, giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác đấu giá tài sản chưa được ban hành đồng bộ, thống nhất; đặc biệt là quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; các loại tài sản phải bán thông qua hình thức đấu giá; việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá đảm bảo sát với giá thị trường;.... Vì vậy, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan sớm chủ động rà soát các văn bản có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tổ chức thực hiện./.

                                                                                Kiều Anh