Với tầm quan trọng đó, tại mỗi địa phương, việc bám sát đặc điểm, điều kiện từng vùng miền kết hợp đổi mới, nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh đang góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các em học sinh, sinh viên. Ngày 20/11/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1928/QĐ-TTg về Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường”. Ngày 16/11/2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP về hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) trong nhà trường nhằm mục đích “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhà giáo và người học” và nhiều văn bản pháp luật khác khi triển khai Luật PBGDPL năm 2012. Bài viết này, được đúc kết trên cơ sở quan điểm tác giả người làm công tác quản lý nhà nước về PBGDPL và giảng dạy. 

1. Vai trò tăng cường hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội

Mạng xã hội đang dần chiếm vị trí quan trọng, tác động (cả mặt tích cực và tiêu cực) không nhỏ đến cuộc sống mỗi người, nhất là các học sinh, sinh viên. Song Mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, đừng để bị biến thành “nô lệ" của mạng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng Mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống sinh hoạt của con người, nhất là học sinh, sinh viên. Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng gây ra không ít hệ lụy, bởi sự ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở cường độ tiếp xúc, mà nguy hiểm hơn là những nội dung thông tin, hình ảnh không lành mạnh đã tác động xấu đến giới trẻ. Việc cấm trẻ dùng Mạng xã hội là điều không thể và cũng không đúng, nhất là khi chúng ta đang sống trong một xã hội số ngày càng phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần lưu ý ở đây chính là mặt trái của nó: mỗi ngày, một người tốn hàng tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều hơn cho mạng xã hội, có rất nhiều trường hợp khá đau lòng và thậm chí có một số trường hợp các em chết gục trên bàn sau khi hàng tuần trời chỉ ăn mì tôm và chơi game online - đây chính là đời sống ảo, nó giúp cho người ta thăng hoa trong thế giới ảo đó nhưng lại hủy hoại về thể chất, tinh thần con người trong đời sống thực. Điều này vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên giữ vai trò vô cùng quan trọng nhằm tạo ra những công dân tương lai biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật để xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở nước ta. Học sinh, sinh viên là những công dân tương lai cần phải nắm vững pháp luật và thực hiện đúng pháp luật trong mọi hoạt động nhằm giữ vững kỷ cương, trật tự xã hội của nhà nước pháp quyền, vì vậy, GDPL cho học sinh, sinh viên vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, nội dung giáo dục cần thiết của nhà trường hiện nay.

GDPL cho học sinh, sinh viên, giúp các em có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật, nhận diện được quy tắc hành vi ứng xử chấp hành pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ xã hội vào các ứng dụng trên “thế giới ảo”. Có thái độ tích cực đối với việc học tập, rèn luyện để thực hiện đúng chuẩn mực pháp luật trong học tập, lao động, tham gia mạng xã hội và sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày; tích cực tuyên truyền và lôi cuốn người khác cùng tham gia chấp hành pháp luật và đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi vi phạm pháp luật trong thực tế cuộc sống, qua đó tích cực tham gia đảm bảo tính kỷ cương, kỷ luật và trật tự an ninh, an toàn trong xã hội xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam. Để thực hiện được các mục tiêu trên, giáo dục pháp luật cho học sinh phải trở thành mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung giáo dục cơ bản trong trường học, đồng thời phải có cơ chế quản lý các hoạt đó một cách hiệu quả.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề GDPL cho người dân và học sinh, sinh viên luôn khẳng định coi việc triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền GDPL, huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia cuộc vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên, xây dựng nếp sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Chính vì vậy, ngày 20/11/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1928/QĐ-TTg về Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường”[1]ngày 16/11/2010, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư Liên tịch số: 30/2010/TTLT-BGDĐT-BTP Hướng dẫn việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường nhằm mục đích “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, GDPL trong nhà trường, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhà giáo và người học”[2], Quyết định số 288/QĐ-BTP ngày 21 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2010 - 2015” đến năm 2020 (Đề án 2160), Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020);[3];…. Quyết định số 599/QĐ-BGDĐT, ngày 28/02/2023 về Kế hoạch về PBGDPL năm 2023 của ngành Giáo dục. Kế hoạch đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị nhà trường, cơ sở giáo dục trong toàn ngành phải bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong điều kiện hiện nay, phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục năm 2023, tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Các hoạt động PBGDPL cần hướng tới mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường[4].
Điều này đã được đánh giá trong Hội nghị năm 2022 về Tổng kết đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021 (Đề án 1928). Hội nghị đánh giá chung về kết quả thực hiện Đề án 1928 cho thấy, đề án đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương và sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Việc triển khai đề án trong 5 năm qua đã đạt được mục tiêu, nội dung đề ra. Các đơn vị trong ngành Giáo dục đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; bám sát yêu cầu triển khai thực hiện đề án gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điều quan trọng nhất, sau 5 năm thực hiện Đề án 1928, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên đã được nâng lên rõ rệt, số học sinh vi phạm nội quy lớp học giảm xuống, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cũng như an ninh trường học ngày càng nghiêm túc và đi vào nề nếp. 100% thanh thiếu niên trong  trường học được phổ biến chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp theo lứa tuổi. Cùng với đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức người lao động ở các cơ sở giáo dục được trang bị kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đa số giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân được tham gia các lớp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật[5].



Sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), đã đặt ra những vấn đề mới về chấp hành pháp luật và GDPL cho học sinh, sinh viên đặc biệt là vấn đề an ninh mạng và vấn đề sử dụng công nghệ số. Vấn đề về tham gia mạng xã hội của học sinh, sinh viên hiện nay, công tác GDPL cho học sinh, sinh viên đang đứng trước nhiều thách thức mới. Bên cạnh những mặt tích cực do cách mạng công nghiệp đem lại, mặt trái của nó là tình trạng suy thoái đạo đức, vi phạm kỷ luật học đường, vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, người vi phạm trẻ hoá. Ngày 30/3/2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành Quyết định số 1235/QĐ-BGDĐT về phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”. Theo đó, đề án đã đề ra mục tiêu chung đến năm 2020 là: nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật. Phòng ngừa hiệu quả, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012, thời gian qua công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên đã được các nhà trường quan tâm, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả giáo dục chưa đạt được mục tiêu mong muốn, một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do một phần công tác quản lý chưa thực sự được coi trọng.
Pháp luật về công tác GDPL cho học sinh, sinh viên là một biện pháp tác động quan trọng, minh bạch, hiệu lực hiệu quả nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người trẻ trong xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Luật PBGDPL năm 2012 có một chương riêng về công tác PBGDPL trong nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người trẻ trong xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, Internet nói chung, các trang mạng xã hội nói riêng ngày càng phát triển, đây là xu thế tất yếu khách quan. Để giúp cho thanh niên tham gia và sử dụng các trang mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực, hữu ích thì điều quan trọng trước hết là các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục, hướng dẫn cho họ hiểu rõ về các trang mạng xã hội, thấy được những tiện ích và hạn chế của nó để chủ động tham gia và sử dụng một cách tích cực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sinh hoạt, học tập, công tác chuyên môn.


2.  Gợi mở một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của Mạng xã hội 


Thứ nhất, đúc kết và nhân rộng các mô hình GDPL thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đối tượng được GDPL, thích ứng được phong cách trẻ của học sinh, sinh viên. Cơ sở giáo dục phối hợp gia đình và xã hội một cách chủ động, không có tâm lý chờ hướng dẫn của cấp trên mà chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng các mô hình, phương pháp, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế.
Thực hiện chỉ đạo điểm, nhân rộng các mô hình GDPL có hiệu quả cho học sinh, sinh viên như: một số mô hình GDPL đã phát huy được hiệu quả tại các địa phương, nhà trường như mô hình “Cổng trường học an toàn giao thông”, mô hình “Tuần sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên”, mô hình “Ngày pháp luật”, “Tiết pháp luật” định kỳ hàng tháng hoặc hàng tuần, mô hình các Câu lạc bộ PBGDPL dành cho học sinh theo từng cấp học, mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật”… Các mô hình đều có ý nghĩa giáo dục tích cực, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội…[6]


Thứ hai, bám sát, triển khai đồng bộ, thống nhất, tổng thể với các Kế hoạch công tác PBGDPL xác định rõ nội dung hoạt động, tiến độ thực hiện, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, không trùng lắp; phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; bảo đảm khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức GDPL, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật, kết quả, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh, thiếu niên bằng nhiều hình thức phù hợp, có hiệu quả, gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, địa phương tránh hình thức.


Thứ ba, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hữu quan, ví dụ, Bộ Tư pháp cần phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo TW và các ngành hữu quan, nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên gắn với phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên ngay trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và đề ra những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng GDPL, tiếp cận pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; cán bộ quản lý, theo dõi công tác GDPL; cán bộ Đoàn, Hội, Đội; cán bộ quản lý nhà nước về thanh niên.


Thứ năm, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác GDPL cho học sinh, sinh viên; đề cao trách nhiệm tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, việc nâng cao sự hiểu biết chính sách, pháp luật của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo giáo, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần phải có sự hiểu biết cơ bản về các trang Mạng xã hội, biết cách sử dụng các trang Mạng xã hội với những tiện ích của Mạng xã hội cho công việc, cho giải trí lành mạnh, không nên phê phán bừa bãi hay chỉ lên án những tiêu cực của các trang mạng xã hội mà cấm đoán giới trẻ./.

https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2651

www.moj.gov.vn