Thực tế chỉ ra rằng: Tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực hiện đúng các quy định về chức trách, nhiệm vụ vẫn diễn ra. Hiện tượng này không còn là lời cảnh báo mà đã được “chỉ mặt đặt tên” một cách rõ ràng tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã nhận diện một trong những biểu hiện suy thoái đáng báo động của cán bộ, đảng viên hiện nay là: "Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao". Cùng với đó là những hành vi ứng xử phản văn hóa, trái đạo đức, thậm chí nhũng nhiễu, gây khó dễ trong thi hành công vụ đã gây những bức xúc trong xã hội. Đây là hệ lụy của tình trạng buông lỏng kỷ cương hành chính.

Thực tiễn cho thấy: Tại sao pháp luật của chúng ta ngày càng nhiều, mà kỷ cương lại ngày càng lỏng lẻo? Rõ ràng, chưa có một nghiên cứu để có thể trả lời chính xác câu hỏi này. Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật sẽ rất khó được thực thi nếu chất lượng của các quy phạm thấp hoặc quy định những điều nằm ngoài khả năng tuân thủ của người dân, hoặc là quy định những điều nằm ngoài khả năng áp đặt việc tuân thủ của chính quyền. Mặt khác, việc tuân thủ phát luật của cán bộ còn có biễu hiện cái sai không dám nhận, tìm cách né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan; không dũng cảm chấp nhận thiếu sót, không xin lỗi khi mắt sai lầm, khuyết điểm, ngại va chạm, thấy sai không dám đấu tranh…là biểu hiện thường gặp hiện nay. Đây là nguyên nhân làm giảm sút lòng tin với dân, là lực cản của sự phát triển. Một khi kỷ cương lỏng lẻo thì bộ máy hành chính rệu rã, hiệu quả quản lý, điều hành không cao và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc xã hội. Chỉ thị 26-CT/TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp” đã nêu rõ: “Nhiều công việc nêu trong các Chương trình hành động, Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành khác chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm’’. Do vậy, siết chặt kỷ cương hành chính, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác..... là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi mang tính tất yếu để làm cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả nhất cũng là mong muốn của nhân dân. Siết chặt kỷ cương, đây cũng là yêu cầu và mục tiêu được ngành tư pháp Cà Mau hướng tới năm 2021 để phát huy ý thức trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc của đội ngủ cán bộ trong toàn ngành.

Muốn thiết lập trật tự kỷ cương, trước hết ngành tư pháp cần đổi mới hoạt động ban hành văn bản QPPL theo hướng đảm bảo mục tiêu hoàn thiện hệ thống văn bản QPPPL theo tinh thần cải cách thể chế, mỗi thể chế được ban hành phải là loại khuôn mẫu cho các hành vi được pháp luật điều chỉnh; khuôn mẫu hành vi này có thể tạo ra sự hợp lý và hiệu quả, nhưng cũng có thể gây ra sự rối loạn và ách tắc nếu như quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL chưa nhận diện được điều này để sáng tạo ra các QPPL vừa bảo đảm hiệu quả, vừa bảo đảm sự hài hòa và công lý. Tuy nhiên, xây dựng được một hệ thống các quy phạm pháp luật tốt mới chỉ là một nửa của vấn đề, một nửa còn lại chính là khả năng thực thi các quy phạm pháp luật đó. Pháp luật chỉ tốt ngang bằng với việc nó được thực thi như thế nào trong cuộc sống, sự ngang bằng này có vẻ như đang làm cho rất nhiều cố gắng và thành tựu của chúng ta trong lĩnh vực lập quy trở nên ít có ý nghĩa khi thực thi pháp luật quả thực là khâu yếu hiện nay trên cả phương diện tuân thủ và yếu cả trên phương diện áp đặt sự tuân thủ. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của chúng ta nói chung còn rất hạn chế, khi thiếu ý thức pháp luật thì gần như không thể xác lập được kỷ cương trong khi nguồn lực không đủ để bảo đảm việc phát hiện và xử lý vi phạm mọi lúc, mọi nơi. Như vậy, giáo dục ý thức pháp luật là cách làm quan trọng của việc bảo đảm kỷ cương phải là công việc thường xuyên của nhà trường, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, sự nêu gương của các cơ quan công quyền là rất quan trọng thông qua việc chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh nhất trước khi đòi hỏi người dân phải làm như vậy. Ngoài ra, cũng cần phải được phân định rõ ràng thành hai loại: loại làm chính sách, pháp luật và loại thực thi chính sách, pháp luật. Năng lực của các cơ quan này là khác nhau khi năng lực thực thi pháp luật là đòi hỏi bắt buộc đối các cơ quan thực thi pháp luật phải có đủ cả năng lực tuân thủ (những quy phạm mà pháp luật áp đặt cho các cơ quan nhà nước) và năng lực áp đặt sự tuân thủ. Một kế hoạch bài bản để xây dựng và nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật là rất cần thiết cho việc bảo đảm kỷ cương.

Vì vậy, mục tiên hoàn thiện thể chế, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tăng cương công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật của ngành tư pháp trong năm 2021 cần được tập trung nghiên cứu, xác định mục tiêu, định hướng và đổi tư duy tiếp cận, sáng tạo trong hoạt động này để duy trì, giữ vững kỷ cương, kỷ luật nền hành chính mà vai trò của ngành tư pháp phải là trung tâm tác động trực tiếp đến xây dựng, hoàn thiện thể chế và đưa pháp luật vào cuộc sống góp phần duy trì, giữ vững kỷ cương, kỷ luật nền hành chính ./.

TS. Phạm Quốc Sử