1. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành

Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

2. Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2023 và Quyết định số 1785/QĐ-UBND ngày 13/11/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy chế phối hợp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:

a) Sự cần thiết ban hành: 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính nói chung và quản lý Nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng; dẫn tới phát sinh những vấn đề cần quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai có hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh như: trình tự, thủ tục phối hợp giải quyết, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức; việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hàng năm; kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;... 

Từ vấn đề nêu trên, ngày 25/10/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

b) Mục đích ban hành: 

- Việc xây dựng Quyết định nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý Nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; xác định rõ nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ. 

- Tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong thực hiện quản lý Nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính chủ động, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

4. Nội dung chủ yếu: 

- Quyêt định ban hành kèm theo Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quy chế kèm theo gồm có 3 Chương và 14 Điều: 

+ Chương I. Những quy định chung.

+ Chương II. quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

+ Chương III. Tổ chức thực hiện.

Các nội dung chủ yếu của Quy chế: quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau: 

Nguyên tắc phối hợpViệc phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Bảo đảm sự chủ động của cơ quan chủ trì; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo trong quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị liên quan.

Nội dung phối hợp: Tổ chức triển khai, xây dựng, hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Lập hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Thống kê về xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hình thức phối hợp: Trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính; Tổ chức các cuộc họp; hội nghị sơ kết, tổng kết; Tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra; Các hình thức khác.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành, Sở Tư pháp xin thông báo./.