Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu (Điều 5 luật công chứng năm 2014).

Theo quy định tại Điều 52 Luật Công chứng thì khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật thì những người sau đâu có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu:

- Công chứng viên đã thực hiện công chứng.

- Người yêu cầu công chứng.

- Người làm chứng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố văn bản công chứng vô hiêu thì người có quyền yêu cầu phải thực hiện việc yêu cầu bằng đơn theo quy định tại Điều 398 Bộ luật tố tụng dân sự như sau: “Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về công chứng”.

Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luât Tố tụng dân sự gồm:  Ngày, tháng, năm làm đơn; Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự; Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó; Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có); Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình; Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là có căn cứ và hợp pháp.

Việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Theo đó, thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố băn bản công chứng vô hiệu (Khoản 2 Điều 35 Bộ Luật tố tụng dân sự) Cũng theo quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì Tòa án cấp huyện nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (điểm m, khoản 2 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự).

Như vậy, khi có căn cứ cho rằng văn bản công chứng có vi phạm pháp luật thì những người có quyền yêu cầu theo quy định tại Luật Công chứng gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đã thực hiện việc công chứng để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Thanh Long