Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình không chỉ là sự ứng xử bằng “nắm đấm” của người chồng đối với vợ, mà đôi khi còn là sự khủng bố tinh thần như lăng mạ hoặc im lặng kiểu “chiến tranh lạnh” với nhau. Thực tế, trong xã hội hiện nay, một điều dễ nhận thấy là bạo lực thể xác thường diễn ra với những gia đình có trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè, cờ bạc. Còn bạo lực tinh thần thường nảy sinh trong gia đình người có học vấn cao, có điều kiện kinh tế tốt… Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong gia đình và xã hội.

Nạn bạo lực gia đình ngày một xảy ra nhiều và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bạo lực xảy ra làm cho người bị bạo lực có nhiều di chấn, vết thương trên cơ thể, không chỉ ảnh hưởng đến thể xác mà còn để lại những nỗi ám ảnh về tinh thần của các thành viên trong gia đình, thậm chí còn có những cái chết thương tâm. Gia đình là nơi êm ấm và hạnh phúc, nhưng bạo lực gia đình đã giết chết những hạnh phúc ấy và thay vào đó là những nỗi sợ hãi thường trực. Bạo lực làm mất đi mái ấm gia đình, đánh mất tuổi thơ và cả tương lai của con trẻ.

Ngày 14/11/2022, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thay thế Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Qua đó, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Có thể thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Điều này giúp cho các cơ quan thẩm quyền phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình. Nạn nhân bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình vốn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế, nên rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các thành viên trong xã hội để phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng, trong phòng, chống bạo lực gia đình./.

Huỳnh Quỳnh