Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Ngoài ra, người bị kết án cũng được đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định nêu trên.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Sở Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện cách ghi như sau:

- Cách ghi mục Tình trạng án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Người đã bị kết án nhưng được xóa án tích thì ghi “Không có án tích”; trường hợp người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì ghi “Không có án tích trong thời gian cư trú tại Việt Nam”.

- Cách ghi mục Tình trạng án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Người đã bị kết án nhưng được xóa án tích thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích. Trường hợp người bị kết án có nhiều án tích thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian bị kết án.

Quốc Hận